Nếu bạn đang có một số vốn nhàn rỗi và muốn đầu tư, kênh đầu tư đầu tiên bạn nghĩ đến là gì? Gửi tiết kiệm là cách đầu tư được nhiều người nghĩ đến nhất vì tính an toàn của nó.
Tuy nhiên, khi đồng tiền đang ngày càng mất giá bởi tác động của lạm phát, tiết kiệm tiền trong ngân hàng lại không phải là cách sinh lời hiệu quả. Thực ra, bạn đang mất tiền khi tỷ lệ gửi tiết kiệm thấp hơn tỷ lệ lạm phát và giá cả của các sản phẩm trong cuộc sống tăng giá.
Năm 2020, “cơn bão Covid-19” quét qua Việt Nam khiến nhiều người không thể trụ vững vì mất việc, hoặc bị cắt giảm lương. Giữa bão tố, nhiều người mới nhận ra tầm quan trọng của việc tạo thêm nguồn thu nhập từ đầu tư tài chính.
Trong bài viết này, hãy cùng LUCA tìm hiểu về đầu tư tài chính và khám phá những kênh đầu tư hấp dẫn không thể bỏ qua nhé!
Định nghĩa đầu tư tài chính
Đầu tư tài chính đề cập đến hoạt động sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để mua/bán một tài sản tài chính nào đó, với hi vọng có thể gia tăng lợi nhuận và giá trị trong tương lai.
Những người thích làm giàu thường có quan điểm rõ ràng về việc để “tiền sinh ra tiền”, tức tận dụng số tiền mình có được để có thể tạo ra thêm nhiều tiền hơn, chứ không bao giờ để đồng tiền bị “đóng băng” trong két sắt – đây được gọi là “đồng tiền chết”.
Người ta tìm đến các kênh đầu tư tài chính hiệu quả với nhiều mục đích khác nhau, nâng cao chất lượng cuộc sống, mong muốn về hưu sớm, tích trữ của cải… nhưng tựu chung lại, đều hướng đến mục tiêu tăng thu nhập nhiều nhất có thể.
Các thị trường đầu tư tài chính phổ biến
- Thị trường tiền gửi tiết kiệm: Là thị trường chuyên huy động các khoản tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn và dài hạn, với lợi nhuận trả cho người gửi tiền là các mức lãi suất tương ứng.
- Thị trường thế chấp: Là loại thị trường tập trung vào việc huy động các món nợ dài hạn của cá nhân, doanh nghiệp để mua các tài sản có giá trị lớn như nhà, ô tô, đất đai,…
- Thị trường bảo hiểm: Thị trường bảo hiểm là nơi tập trung mua bán các hợp đồng bảo hiểm. Phổ biến nhất ở đây có thể kế đến liên kết với các sản phẩm bảo hiểm đầu tư như bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ,…
- Thị trường bất động sản: Là nơi các cá nhân mua đi, bán lại các tài sản địa ốc như đất nền, chung cư, nhà phố hoặc bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại…
- Thị trường ngoại hối – Forex: Đây là nơi các nhà đầu tư mua, bán, trao đổi và đầu cơ vào các loại tiền tệ như đô la Mỹ, bảng Anh hoặc đồng Euro.
- Thị trường chứng khoán: Nơi các cổ phiếu được các công ty đại chúng niêm yết và giao dịch trên thị trường.
- Thị trường trái phiếu: Trên thị trường này, các công ty hoặc chính phủ sẽ huy động vốn từ thị trường bằng cách phát hành trái phiếu với mức lợi suất cố định. Các nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ được trả lại tiền gốc và lãi sau 1 thời gian thỏa thuận.
- Thị trường hàng hóa: Đây là nơi các thương nhân và nhà đầu tư mua và bán tài nguyên thiên nhiên hoặc hàng hóa số lượng lớn, như thị trường vàng, bạc, dầu mỏ…
- Thị trường phái sinh: Liên quan đến các công cụ phái sinh hoặc hợp đồng có giá trị dựa trên giá trị thị trường của tài sản cơ sở. Các công cụ phái sinh có liên quan mật thiết với các tài sản cơ sở đến từ thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, tiền điện tử và cả Forex… Một số công cụ phái sinh phổ biến trong đầu tư tài chính ngắn hạn có thể kể đến như Hợp đồng chênh lệch, Hợp đồng tương lai, Hợp đồng quyền chọn…
- Thị trường tiền ảo: Là nơi các nhà đầu tư giao dịch và đầu cơ vào các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin và Altcoins.
Mỗi thị trường có những đặc tính riêng, thường chỉ tập trung vào định hướng ngắn hạn, dài hạn, hoặc kết hợp cả hai. Việc lựa chọn thị trường nào để đầu tư tuỳ thuộc vào năng lực tài chính và nhu cầu của bạn
Lời kết
Đến đây là kết thúc bài đầu tiên của chuỗi những bài viết về đầu tư tài chính và những lời khuyên đầu tư mà bạn không thể bỏ lỡ trong năm 2020. Hãy cùng đón chờ những thông tin, chia sẻ hữu ích khác của LUCA trong bài viết tiếp theo nhé.